Trong khi không ít Việt kiều Mỹ về nước tìm người đẹp để “mua vui” thì anh chàng này lại đi giải cứu những cô gái trẻ, bé gái bị lừa bán vào “động quỷ”. Vụ mới nhất, anh đã giải cứu thành công một nữ tiếp viên karaoke ôm mới chỉ 12 tuổi…
"Hiệp sĩ" Nguyễn Trung Trực
Cuộc giải cứu gần biên giới Việt - Cam
Ngày 12/5, quán karaoke H.Như (xã Thành Long, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh, nằm gần biên giới Việt Nam – Campuchia) đón 4 vị khách lạ. Trong đó có một Việt kiều Mỹ ăn mặc sành điệu, tỏ ra là một vị “khách sộp”.
Quán nhanh chóng điều 4 cô gái mặc áo dây, quần ngắn cũn cỡn ra phục vụ. Dù khách chẳng đưa ra bất kỳ yêu cầu nào nhưng các cô tiếp viên nhanh chóng vặn to nhạc rồi phi lên bàn uốn éo những vũ điệu mang tính khiêu dâm. Có cô còn chủ động ôm ấp, ve vuốt khách.
Trong 4 tiếp viên này có một người rụt rè, khuôn mặt non choẹt. Đó là Trần Nguyễn Mỹ Thuyên (sinh ngày 24/3/2004, ngụ phường Chánh Nghĩa, TP. Thủ Dầu Một, Bình Dương).
Cô bé 12 tuổi này không hề biết rằng 4 người khách kia là “hiệp sĩ”. Họ đã vượt hơn 100 cây số đến đây để giải cứu cho Thuyên.
Các cô gái nhảy với khách trong quán H.Như
Trước đó, mẹ Thuyên là chị Nguyễn Thị Thương Hà (33 tuổi, làm nghề buôn bán nhỏ) đôn đáo khắp nơi tìm đứa con gái thất lạc cả tháng trời mà không một tin tức. Chị Hà cầu cứu nhóm “hiệp sĩ” Bình Dương do anh Nguyễn Thanh Hải đứng đầu.
Chị Hà kể, Thuyên học tới lớp 6 thì nghỉ ngang. Thuyên chơi với một người bạn tên Nhi ở Củ Chi. Thuyên nói đi gặp Nhi, sau đó cả hai mất tích. Qua thông tin do chị Hà cung cấp, anh Hải biết được Nhi thường lên mạng Zalo để tán gẫu với bạn bè.
Một “hiệp sĩ” lên mạng Zalo kết bạn nói chuyện với Nhi và ngỏ ý muốn gặp Nhi. Nhi cung cấp địa chỉ quán karaoke H.Như, nơi Nhi đang làm tiếp viên.
Phỏng đoán Thuyên cũng đang phục vụ tại quán này, các “hiệp sĩ” đã lên kế hoạch giải cứu cô bé. Nắm được tâm lý chủ các quán karaoke ôm thường điều những “em đào” trẻ trung nhất cho “đại gia” nên “hiệp sĩ” Nguyễn Thanh Hải đề nghị Việt kiều Nguyễn Trung Trực (43 tuổi) tham gia.
Anh Trực trong bộ trang phục hàng hiệu cùng 3 “hiệp sĩ” khác xâm nhập quán karaoke. Trước đó, chị Hà đã cho anh Trực xem hình Thuyên. Mục đích của việc xâm nhập là để xác định Thuyên có trong quán này hay không, từ đó có phương án giải thoát.
Sau khi nhận diện cô bé mặc áo hai dây màu hồng chính là Thuyên, anh Trực gọi điện báo “hiệp sĩ” Hải, lúc này đang ứng trực ở ngoài quán. Anh Hải và mẹ của Thuyên đã liên hệ với Công an huyện Châu Thành và Công an xã Thành Long nhờ can thiệp.
Anh Trực kể: “Quán đó là quán karaoke ôm trá hình. Tiếp viên liều lắm. Nếu công an và anh Hải không ập vào kịp thì có thể các tiếp viên đã tự lột áo ra mà nhảy”.
Khi được “hiệp sĩ” và công an giải cứu khỏi quán, Thuyên cho biết, tại đây em nhiều lần bị khách sờ mó.
“Có lần một người bạn của ông Thiện (họ hàng với chủ quán) còn dụ con vào nhà nghỉ rồi lột áo con ra định làm chuyện đó. Nhưng con bỏ chạy được”, Thuyên kể.
Thuyên và "hiệp sĩ" Trực
Theo lời Thuyên, ban đầu em và Nhi cần tiền nên nhận lời làm việc tại quán này. Chủ quán đưa em và Nhi 5 triệu đồng để sắm quần áo “sexy”.
“Con mới 12 tuổi nhưng chủ dặn khi khách hỏi tuổi thì phải nói 17-18 tuổi”, Thuyên nói. Thuyên không được trả lương, chỉ được bao ở và nhận tiền “boa” nếu biết chiều khách. Vì món nợ 5 triệu đồng, Thuyên không thể rời khỏi quán.
Chị Hà chia sẻ: “Tôi không biết lấy gì cảm ơn anh 'hiệp sĩ' đã giải cứu đứa con gái khờ dại của tôi. Tôi cũng rất bất ngờ khi biết trong nhóm 'hiệp sĩ' lại có một anh Việt kiều Mỹ tốt như vậy! Không chỉ nhọc công đi cứu con tôi, anh ấy còn bao luôn mẹ con tôi tiền cà phê, nước giải khát”.
Chị Hà cho biết mình đã viết đơn gửi cơ quan công an tố cáo quán H.Như sử dụng lao động chưa đủ tuổi để phục vụ việc kinh doanh không lành mạnh.
Thuyên (áo đỏ) cạnh mẹ và các "hiệp sĩ" sau khi được giải cứu
“Tôi thấy rất xót xa”
7 ngày trước khi giải cứu bé Thuyên, “hiệp sĩ” Việt kiều Nguyễn Trung Trực cũng tham gia cùng “hiệp sĩ” Hải giải cứu thành công cô gái tên Lụa (22 tuổi quê Vĩnh Long) bị lừa bán vào một quán cà phê kích dục ở phường Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An, Bình Dương.
Sau khi đưa Lụa ra khỏi quán này, anh Trực cho tiền để Lụa về quê sống với ba mẹ.
- PV: Không ít Việt kiều về nước là tung tiền ra hưởng thụ. Riêng anh lại nhọc công đi giải cứu những cô gái, bé gái. Tại sao vậy?
- “Hiệp sĩ” Việt kiều Nguyễn Trung Trực: Mỗi người một quan điểm. Còn riêng tôi, tôi tham gia giải thoát cho các bé gái, cô gái khỏi quán cà phê kích dục hay karaoke ôm vì tôi thấy xót xa cho mấy em ấy.
Có em vì nghèo phải lặn lội từ miền Tây lên Sài Gòn tìm việc, nhưng lại bị nhiều gã xe ôm hay dân môi giới việc làm lừa bán cho mấy quán cà phê kích dục với giá chỉ một vài triệu đồng. Con người chứ có phải hàng hóa đâu mà bán buôn như vậy. Tôi rất xót xa khi thấy nữ tiếp viên chỉ mới 12 tuổi như vậy, vì tôi cũng có con gái mà.
- Cuộc sống của anh ở Mỹ như thế nào?
- Cuối tháng 5 này, tôi về Mỹ lại rồi. Vợ tôi bên đó là nha sĩ. Tôi có 3 đứa con. Chúng tôi sống trong nhà riêng ở bang Florida. Lúc trước tôi làm cho hãng máy bay Boeing, có thời điểm lương tôi 60 ngàn đô/năm.
Giờ tôi làm thầu xây dựng. Bố tôi trước đây là sĩ quan chế độ cũ. Năm 1993, tôi theo bố mẹ qua định cư ở Mỹ. Sau này, tôi đưa vợ con tôi qua đó luôn.
Vợ và 3 con của anh Trực bên Mỹ
- Từ khi nào anh nảy sinh ý định theo anh Hải làm “hiệp sĩ”?
- Vừa rồi tôi về Việt Nam, ngoài thăm quê còn để giải quyết chuyện em trai tôi là Nguyễn Trung Trọng. Trước đó, Trọng về Việt Nam chơi thì bị mất một chiếc túi xách trong đó có điện thoại, máy tính, tiền, passport (hộ chiếu).
Tổng trị giá khoảng 15 ngàn đô. Kẻ trộm đã gọi điện thoại yêu cầu phải đưa 30 triệu thì mới trả passport cho em tôi. Qua bạn bè, tôi biết anh Hải. Ban đầu tôi gặp anh Hải là để nhờ anh ấy truy tìm kẻ trộm giúp em tôi.
Trong một lần đang ngồi uống cà phê chung với nhóm anh Hải, chúng tôi thấy một thằng cướp xe máy của dân. Anh Hải rượt theo truy đuổi. Lúc đó tự nhiên tôi cũng lấy xe máy rượt theo. Tôi ép xe, đạp thằng cướp nhưng nó không ngã.
Đồng bọn của nó đi xe khác lao lên đạp lại tôi. Tôi té xe, trầy khắp chân tay. Nhưng tôi vẫn dựng xe lên rượt theo cho đến khi gã đồng bọn của tên cướp thò vào túi rút “hàng nóng” ra dọa tôi mới giảm tốc độ. Hôm đó về tới nhà, tôi mới thấy sợ. Tôi nghĩ không may lúc mình té, xe tải trờ tới cán thì chết rồi.
Từ hôm đó, tôi thấy cảm phục anh em “hiệp sĩ”. Hàng ngày bất chấp nguy hiểm, họ vẫn xả thân truy đuổi trộm cướp vì họ thương dân, thương người yếu thế. Cũng vì mến mộ, tôi tranh thủ thời gian còn lưu lại Việt Nam, theo anh em để giúp một tay. Chuyện này, tôi không kể cho vợ con bên Mỹ nghe. Tôi sợ vợ con tôi lo lắng, ngủ không được!
- Ở bên Mỹ có “hiệp sĩ đường phố” không?
- Không đâu! Bên đó chỉ có cảnh sát. Tôi đi nhiều và thấy không đâu bằng Việt Nam, bằng quê hương mình. Tình cảm, tình người với nhau lúc nào cũng bao la. Như anh em “hiệp sĩ” đây, chỉ cần nghe ai truy hô cướp là rượt theo lấy lại tài sản giúp người bị hại bằng được. Nhiều hôm tôi thấy anh em bỏ cơm, dãi nắng suốt ngày để theo dấu kẻ gian.
Đăng nhận xét